Hi, How are you

Welcome to Hanoi University of Pharmacy K26’s Blog (Hanoi University of Pharmacy’s the 26 Course). At the end of this year (2011) we are organizing a ceremony for the day when we entered the University 40 years ago. This blog is a place where we can share the confide, keep the students’ memory and it will give some materials for our course's summmary record book. I would like all of us to respond and take part in this event.

BÀI NHIỀU NGƯỜI XEM NHẤT

17 tháng 11, 2010

GIỚI THIỆU KHÓA 26 ĐẠI HỌC DƯỢC HÀ NỘI

Khóa 26 Đại học Dược khoa (tên lúc đó của trường Đại học Dược Hà nội ngày này) là khóa đầu tiên thực hiện hình thức thi tuyển (sau nhiều năm học sinh tốt nghiệp phổ thông được gọi vào đại học qua xét tuyển theo lý lịch. Thực ra việc thi đại học đã thực hiện trước đó một năm, nhưng năm 1970 nhà trường xin phép cơ quan quản lý dành chi tiêu cho khóa 25 đang học dự bị tại trường nên không tổ chức thi tuyển).
Cuối tháng 9 đầu tháng 10 năm 1971 Trường Đại học Dược khoa gửi giấy gọi chúng tôi nhập trường. Khoảng hơn 100 tân sinh viên từ khắp các nơi trên miền Bắc về đây tụ hội nghe nói có khoảng 3500 thí sinh dự thi và chúng tôi là những người may mắn trúng tuyển. Đông nhất là các bạn Hà nội, sau đến là Nam hà, Nghệ tĩnh, các tỉnh khác chỉ có vài người, có tỉnh chỉ có duy nhất một bạn. Sinh viên được chia làm các nhóm: người đã đi làm ở các cơ quan nhà nước, thương binh, bộ đội yếu sức khỏe được họ gửi đi học (gọi chung là cán bộ đi học), còn lại gọi là học sinh phổ thông không phân biệt tuổi tác, khóa tốt nghiệp phổ thông. Nhà trường chia chúng tôi thành hai lớp: lớp A1 và lớp A2 (năm thứ nhất là K261A1, K261A2).
Danh sách ban đầu đến khi ra trường cũng có nhiều thay đổi. Một số được gọi nhập ngũ, một số phải chuyển xuống khóa dưới do sức học không theo được, hoặc ốm đau mất mát, nhưng cũng có người phải chuyển xuống khóa dưới vì những lý do nói ra thế hệ sinh viên đại học hôm nay không thể tin được đó là các sinh viên đó phạm vào cái gọi là “quan hệ yêu đương”. Khóa 26 cũng tiếp nhận một số thành viên từ các khóa trước tới với các lý do tương tự.
Tập trung được mấy hôm thì thày Huỳnh Quang Đại hiệu trưởng đến gặp khóa chúng tôi. Phía nhà trường chẳng ai báo trước cho chúng tôi về buổi gặp mặt, lại mới hình thành nên về mặt tổ chức còn chưa chặt chẽ, chúng tôi cũng chưa được biết mặt thày, thày lại xuất hiện quá bất ngờ nên chúng tôi ngớ người ra đến nỗi chẳng ai đứng lên chào thày. Nên thày có vẻ không hài lòng, tuy nhiên bằng tình cảm của người thày, người bác mà không khí sau đó trở nên bình thường. Ở Hà nội khoảng vài tuần để học nội quy, lịch sử ngành Dược Việt nam, ngành Dược thế giới và truyền thống nhà trường, chúng tôi chuyển xuống khu sơ tán tại Ninh sở, Thường tín, Hà Tây để bước vào năm thứ nhất.
Năm học thứ nhất bắt đầu sau tập trung khoảng một tháng. Hình như đầu tiên là tập quân sự, sau đó là môn Toán của thày Thành (được mọi người gọi là thày Thành Con, để phân biệt với thày Thành Già-nhiều tuổi, thày Thành Nâu - tóc hơi hoe vàng). Môn Toán cao cấp học ở đại học Dược nhẹ hơn so với các trường khối kỹ thuật như Bách khoa, Xây dưng, Sư phạm toán, Tổng hợp toán. Nhưng đối với sinh viên Dược là môn khó và có một tỷ lệ thi lại khá cao. Ngoài ra chúng tôi còn học môn Tiếng Nga, Sinh lý học, Vi sinh - ký sinh trùng, Vệ sinh, Cấp cứu phòng không, Latin (thày Vũ văn Chuyên dạy), Triết học, Bệnh học đại cương (không rõ có đúng không về tên môn học?), Vật lý đại cương phần một (thày Phú dạy). Môn Tiếng Nga cũng là môn đặc biệt. Đặc biệt vì người học có trình độ rất không đồng đều. Có người đã học từ cấp hai (trung học cơ sở), có người học đủ ba năm cấp ba (trung học), có người chỉ học một năm, nhưng cũng có người chưa bao giờ học. Một điều khác thường nữa là cô giáo dạy chúng tôi năm đó cũng vừa mới ra trường (cô Mỹ), khi đó Sư phạm ngoại ngữ học có ba năm. Cô giáo lại học để giao tiếp xã hội chứ không học để đọc hiểu tài liệu về hóa học, dược học, sinh học như yêu cầu lúc đó của môn học nên khi dạy cô rất lúng túng. Đôi khi cô còn phải hỏi sinh viên một số câu của bài khóa nên dịch thế nào?
Phương pháp giảng dạy theo cách thuyết trình tức là thày giảng sinh viên ghi chép, về nhà xem thêm giáo trình. Phương pháp thuyết trình làm cho người học thụ động, hơn nữa các môn học nói chung đều dài và đặc biệt yêu cầu là phải ghi nhớ chính xác. Ngoài học lý thuyết còn phải đi thực tập tại phòng thí nghiệm, nên sinh viên Dược cần giành nhiều thời gian để tự học, chuẩn bị bài thực hành. Có một điều từ ngày đó đến nay vẫn xảy ra tại ký túc xá là hầu như trong phòng ở của sinh viên lúc nào trong đêm cũng có người trong đèn học bài. Chương trình lúc đó chỉ chia thành môn thi và môn kiểm tra (tính bằng một nửa môn thi). Không chia làm học phần và học trình như bây giờ nên lại càng nặng. Thường môn kiểm tra có thể 30 đến 60 tiết. Nên khi kiểm tra sinh viên rất vất vả, kỳ thi và kiểm tra thường diễn ra trong vòng một đến một tháng rưỡi, tuần thi một môn, hình thức thi vấn đáp.
Hết học kỳ một năm thứ nhất một trong những người đạt được kết quả cao là Nguyễn Tiến Lập (cựu học sinh chuyên toán của trường Nguyến Huệ, Hà tây). Thật tiếc sau này Lập là một trong những sinh viên được gọi đi bộ đội vào Nam chiến đấu và không bao giờ quay trở lại mái trường đại học, vì bạn đã nằm lại trên bờ một con kênh tại miền Đông Nam bộ.
Sau kỳ nghỉ tết âm lịch chúng tôi bước vào học kỳ hai, cũng là thời gian người Mỹ quay trở lại ném bom miền Bắc lên trên vĩ tuyến 20. Khoảng tháng 4 năm 1972 máy bay Mỹ bắt đầu đánh phá dữ dội trở lại khu vực gần Hà nội nên chúng tôi phải sơ tán sang Khánh vân, Hoàng xá. Sinh viên được gửi vào ở trong nhà dân, nhà chùa. Hàng ngày chúng tôi dậy sớm từ lúc 5 giờ sáng để lên lớp học lý thuyết. Sau 9 giờ 30 là học xong, nhận cơm về ăn cũng là lúc trên bầu trời hàng đàn máy bay Mỹ bay qua đi ném bom Hà nội và các tỉnh phía bắc. Chúng tôi kết thúc năm thứ nhất khoảng tháng 7 năm 1972.
Nghỉ hè xong vẫn tập trung tại điểm sơ tán học kỳ hai. Một biến cố lớn đã đến với khóa 26, nhà nước gọi một số nam sinh viên lên đường nhập ngũ (khoảng hơn một chục bạn: Lập-Nguyễn Tiến Lập, Phong, Hải-Hoàng Đức Hải, Huy, Được-Nguyễn Sỹ Được, Truyền, Hùng-Lê Việt Hùng, Quang-Hoàng Trọng Quang, Hy, Trường, Hoàn, Dũng, Vịnh-Phan Văn Vịnh… tôi không nhớ rõ danh sách đề nghị mọi người bổ sung thêm họ và tên hoặc còn thiếu vào phần nhận xét cho đủ). Một cuộc chia tay thẫm đẫm nước mắt và hứa hẹn đã diễn ra. Có nhóm ngồi với nhau cả đêm ca hát để động viên các bạn ngày mai ra trận. Chúng tôi ai cũng mong các bạn ra đi chân cứng đá mềm và chờ ngày trở lại. Một ngày trở lại rất gần và cũng rất xa. Có một câu chuyện cảm động đã xảy ra. Trong số anh em ra đi có một bạn gia đình rất nghèo ở khu Bốn. Khi nhập học cả nhà chỉ có 20 đồng đưa cho bạn, số tiền đó cũng phải đi vay. Trong suốt hơn một năm học bạn chỉ sống và học tập nhờ vào học bổng của nhà nước (ngày đó mọi sinh viên đều được học bổng tối thiểu là 18,0 đồng, tùy đối tượng mà có thêm các trợ cấp khác). Đó là số tiền ăn hàng tháng nhà trường không phát cho sinh viên. Còn tiền mua căng tin: xà phòng, giấy là những thứ thiết yếu khác để đi học những bạn ở cùng nhà (như đã nói chúng tôi ở trong nhà dân) nhiều khi cũng mua giúp. Bản thân bạn đó cũng vay mượn bạn bè để tự trang trải. Số tiền vay bạn bè trong lớp cũng trên cả chục đồng. Khi được biết thông tin trên lớp có bạn liền họp và nhanh chóng ra một nghị quyết “Những ai đã cho vay thì tặng luôn bạn, lớp tiến hành quyên góp để tặng thêm cho bạn khi lên đường”. Số tiền có được khoảng 40 đồng. Một số tiền nhỏ nhưng thật ý nghĩa. Tôi tin rằng cho đến hôm nay nó vẫn là ký ức đẹp và khó quên đối với chúng tôi dù nó đã xẩy ra từ mấy chục năm trước.
Sau khi các bạn chúng tôi lên đường, cũng là lúc chiến sự diễn ra ác liệt, ngày hòa bình chắc cũng đến gần nên người Mỹ leo thang chiến tranh ở cả hai miền, đặc biệt họ muốn đưa "miền Bắc Việt nam về thời kỳ đồ đá". Nhà trường quyết định khóa chúng tôi đi "thực tế". Nhưng thực ra là chia lẻ chúng tôi thành các nhóm nhỏ bốn, năm người về các trạm Y tế xã ở mấy huyện của Hải hưng, và Hà bắc để tiếp tục hoàn thành chương trình học kỳ một năm thứ hai. Các thày chia ra đến các nhóm dạy các môn Hóa vô cơ phần một (thày Túy dạy), Vật lý đại cương phần hai (thày Khương dạy). Ngoài học hai môn vừa nêu chúng tôi còn tìm hiểu vườn cây thuốc nam ở trạm Y tế, chăm sóc sức khỏe đối với người dân của trạm.
Mùa đông năm 1972 khá rét. Tháng 12 năm đó, người Mỹ thực hiện "Chiến dịch Linebacker II" ném bom rải thảm huỷ diệt Hà nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và các mục tiêu khác liên tục trong 12 ngày đêm từ 18 đến đến ngày 30. Tối thứ ba 18 tháng 12 vào khoảng gần 20 giờ bỗng nghe tiếng máy bay ì ầm rất nặng mọi người đều cảm thấy khác thường. Theo dõi thời sự đều biết Hiệp định Pari đã được ký tắt ngày hòa bình đã gần đến. Tiếng máy bay mỗi lúc một nặng và có những chớp bom nổ ở phía bầu trời Hà nội... Sau đó Đài tiếng Nói Việt nam mất tín hiệu chừng 10 phút. Khi Đài phát lại có bản tin ngắn tố cáo sự bội ước của người Mỹ, dùng B52 ném bom vào Hà nội, Hải phòng và một số nơi khác trên miền Bắc. Mười hai ngày đêm năm ấy có lẽ là khoảng thời gian những người Việt chân chính lòng thắt lại khi nghe tin bom rơi xuống Khâm thiên, Bệnh viện Bạch mai, Yên viên, Uy nỗ... và con tim họ lại càng co thắt hơn khi chứng kiến những chớp bom phía chân trời Hà nội và nhiều tiếng nổ chết chóc do các phương tiện chiến tranh hiện đại của một cường quốc luôn rao giảng văn minh gây nên. Nhưng cũng là lúc ta cảm thấy nguôi ngoai khi tận mắt thấy những luồng sáng phát ra từ nhiều xác máy bay rơi lả tả trên bầu trời. Càng vững lòng khi biết Hà nội, Miền Bắc đã làm người Mỹ khựng lại vì không thể đưa được chúng ta "về thời kỳ đồ đá" lại còn nhận lấy thất bại thảm hại trước lòng dũng cảm và trí tuệ của người Việt nam.
Sau khi hiệp định Paris được ký kết và thực hiện, hòa bình trở lại với Miền Bắc chúng tôi bước vào học kỳ hai năm thứ hai. Nhà trường cho chúng tôi về Hà nội. Tại Hà nội có một sự thay đổi lớn: các bạn nữ ở khu ký túc xá dốc Thọ lão, nam ở "lán" tại làng Thanh nhàn, ai có gia đình tại Hà nội về nhà ăn ở chúng tôi chỉ gặp mặt nhau trên lớp. Trong ba nhóm trên thì nhóm nam ở Thanh nhàn có điều kiện ở tồi tệ nhất. Tôi dùng từ tồi tệ để nói cho đúng điều kiện ở của chúng tôi lúc đó. Thứ nhất chúng tôi ở trong nhà lợp giấy dầu, nền đất, không có nhà vệ sinh riêng biệt, nhà tắm hoàn toàn không có. Thứ hai khi trời mưa đi học về trước khi leo lên gường ngủ xách theo một xô nước để rửa chân ngay trên nền nhà đầy bùn đất. Việc đi học, đi thực hành phòng thí nghiệm đối với các bạn ở Thanh nhàn vì thế trở nên vất vả hơn, trung bình hàng ngày phải đi ít nhất là hai lần từ "lán" lên trường (sáng đi học, trưa về ăn, chiều lên phòng thí nghiệm và quay về) một lượt đi cũng đến 5 - 6 km, phương tiện chủ yếu là đi bằng xe của "bộ" (đi bộ).
Học kỳ hai năm đó chúng tôi học các môn Hóa vô cơ phần hai, Tiếng Nga, Hóa hưũ cơ phần một, Hóa phân tích phần một (định tính), Thực vật học phần một, Hóa lý. Một học kỳ khá nặng. Trong các môn học vừa nêu môn Hóa lý khá dài và nặng là một trong các môn sinh viên hay dính thi lại. Môn Hóa phân tích định tính một môn học có khá nhiều chuyện khôi hài. Có sinh viên đi thực tập làm đến hết giờ vẫn không tìm ra trong cái ống nghiệm chứa cái dung dịch trong suốt có ion gì. Nhưng cũng có khi chỉ qua vài phản ứng đánh gốc không theo sơ đồ có bạn đã tìm ra kết quả. Tuy nhiên đánh gốc được coi như một con dao hai lưỡi và chính những người hay đánh gốc lại đôi khi về sau cùng trong nhiều buổi thực hành. Cũng học kỳ này khóa chúng tôi có một mất mát. Bạn Chính lớp A1 bị bệnh hiểm nghèo đã mất tại Bệnh Viện Bạch mai.
Sang tháng 9 năm 1973 chúng tôi bước sang học kỳ một năm học thứ ba. Các môn học gồm Tiếng Nga, Hóa hữu cơ phần hai, Hóa phân tích phần hai (định lượng), Thực vật học phần hai. Hóa sinh. Đây là một học kỳ khá nhẹ đối với chúng tôi. Cũng là thời gian sinh viên chúng tôi tham gia một số hoạt động xã hội. Trong đó có việc tham gia vào Đội Thanh niên Cờ đỏ các trường đại học do Thành đoàn tổ chức. Buổi lễ thành lập Đội tại hội trường Trường Đại học học Kinh tế Kế hoạch (từ Kế hoạch bây giờ đổi thành Quốc dân). Sau buổi đó thỉnh thoảng vào các ngày chủ nhật, ngày lễ chúng tôi lại ra quân làm đẹp thuần phong mỹ tục cho thanh niên Hà nội. Kể lại chuyện bây giơ ai còn nhớ có lẽ đều phì cười và tự hỏi lúc đó quan niệm về thuần phong mỹ tục, về cái đẹp thật ấu trĩ và giáo điều. Chúng tôi phối hợp cùng với Đoàn thanh niên các khu phố (tương đương quận bây giờ) và lực lượng Công an đi cắt tóc và rạch quần những thanh niên đầu bù tóc rối, áo chim cò, quần ống tuýp. Sinh viên đa phần không thích thú lắm nên thường chỉ đi cho có số đông hầu như không trực tiếp làm các việc đó.
Sau tết âm lịch năm 1974 chúng tôi bắt đầu học các môn chuyên môn. Học kỳ hai năm thứ ba học các môn Tiếng Nga (học kỳ cuối cùng), Kinh tế chính trị học, Dược liệu (phần một), Hóa dược (phần một), Bào chế (phần một), Sinh hóa lâm sàng. Tuy nhiều môn nhưng không nặng lắm bởi vì đã bắt đầu làm quyen chuyên môn nên kiến thức nhận được mang lại nhiều điều thú vị cho sinh viên. Ngoài ra hàng tuần còn có một buổi thực hành tại cơ sở như ở khoa Dược bệnh viện, Hiệu thuốc của Công ty Dược phẩm Hà nội, Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương, kho của các Công ty Dược Trung ương. Hoạt động thực hành tại đó giúp sinh viên có cái nhìn thực tế về nghề nghiệp của mình sau này. Tại nơi thực hành sinh viên tham gia trực tiếp vào tất cả các khâu hoạt động của cơ sở được gửi đến. Môn Dược liệu cho chúng tôi kiến thức về các nguyên liệu và vị thuốc từ thiên nhiên cây cỏ, động vật. Chúng tôi được biết nguồn thuốc phong phú của nền Y học cổ truyền nước nhà, các kỹ thuật nuôi trồng, thu hái, chế biến, tính chất, sử dụng chúng. Môn này lúc đó do thày Ngô Văn Thu một thày giáo người miền Nam tập kết giảng dậy. Giọng thầy trầm ấm và phát âm theo người Nam Bộ cùng với cách giảng sinh động nên gây hứng thú cho sinh viên. Môn Hóa Dược của thày Hoàng Bá Long và thày Phan Quốc Kinh giúp chúng tôi có kiến thức về thuốc tân dược cách giảng của các thày không khô cứng nên làm chúng tôi tiếp thu bài rất nhanh. Thầy Hoàng Bá Long có cách nhìn khá góc cạnh về cuộc sống làm cho chúng tôi vô cùng cảm phục. Thầy còn "dọa" chúng tôi không được lấy hóa chất (nhận thức) dù là mục đích lấy về để học. "Nếu lấy hóa chất tôi và các chị kỹ thuật viên bắt được tôi sẽ cho các anh các chị thi lại môn Hóa Dược hai lần". Môn Bào chế (Kỹ thuật Bào chế các dạng thuốc phần một) giúp chúng tôi biết cách pha chế các dạng thuốc đơn giản: xirô, thuốc nước... môn này nhấn mạnh thực hành. Giảng lý thuyết do thày Lê Văn Truyền thực hiện (môn này hơi dài). Môn Kinh tế chính trị học do thày Oánh phụ trách. Thày dậy rất hay nên đã làm cho môn này đỡ nhàm chán, và thực tế lúc đó vẫn còn tồn tại phe XHCN nên chưa thể hiện mâu thuẫn giữa bài giảng và thực tế.
Trong năm học thứ ba này khóa chúng tôi tiếp nhận một chị từ khóa 24 phải nghỉ học hai năm vì quan hệ yêu đương "được" về nhà cải tạo lao động vào lớp A1 và cũng chớ trêu thay lớp A1 cũng có một bạn bị đình chỉ học tập (nghĩa là cũng phải chuyển sang khóa khác vì cũng "được" đi cải tạo lao động) cũng do có quan hệ yêu đương?